Vua phân khúc là danh hiệu thường được gắn cho những mẫu xe có doanh số bán hàng tốt nhất trong phân khúc đó. Danh hiệu "vua" không chỉ mang đến sự tự hào mà còn là yếu tố quan trọng nâng tầm thương hiệu và lấy được lòng tin từ người tiêu dùng.
"Nhiệm kỳ" của một vua phân khúc không cố định. Bị truất ngôi là điều không sớm thì muộn sẽ diễn ra, còn lâu hay nhanh không chỉ phụ thuộc vào mẫu xe đó mà còn từ sự cạnh tranh gay gắt của những đối thủ. Có những mẫu xe đứng top trong nhiều năm liền, tưởng chừng khó bị vượt mặt lại nhưng nhanh chóng bị hạ gục bởi tân binh vừa xuất hiện.
Hyundai Grand i10 và Ford EcoSport là điển hình. Hai mẫu xe bán chạy nhất phân khúc xe nhỏ hạng A và crossover hạng B trong nhiều năm liền bỗng chốc bị 2 cái tên lạ lẫm Toyota Wigo và Honda HR-V thay thế vị trí ngay trong thời điểm đầu mở bán ra thị trường.
Doanh số bán hàng trung bình tháng của Grand i10 từ đầu năm đến nay là hơn 1.900 chiếc. Tuy nhiên, trong tháng 10, mẫu xe này bị tụt lại với chỉ 1.491 xe bán ra. Thế chỗ Grand i10 là tân binh Wigo với 1.529 chiếc. Sự chênh lệch không quá nhiều nhưng cũng đủ cho thấy sức hút của tân binh Wigo so với lão làng Grand i10 vốn có chỗ đứng khá chắc chắn trên thị trường.
Sự lật đổ còn sốc hơn khi khoảng cách doanh số giữa Honda HR-V và Ford EcoSport là gần 300 chiếc, trong khi lượng xe EcoSport bán ra trung bình tháng năm nay là khoảng 380 xe. Thậm chí, HR-V bắt đầu được giao từ tuần thứ 2 của tháng 10, tức bán được 740 xe chỉ trong 3 tuần.
Cả Wigo và HR-V đều nhận được những phản hồi không mấy tích cực khi được công bố giá và trang bị. Thực tế cho thấy điều ngược lại, giúp cả 2 xe bước lên ngôi vua. Tuy nhiên, không thể không xét tới yếu tố dồn đơn hàng trong thời điểm đầu mở bán. Trường hợp này đã từng diễn ra với Nissan X-Trail hồi tháng 3/2017.
Ở những phân khúc khác như sedan/hatchback hạng C và crossover hạng C, ngôi vua của Mazda3 và Mazda CX-5 năm nay không còn mấy chắc chắn. Có những tháng Mazda3 để Kia Cerato vượt mặt, trong khi CX-5 gặp phải sự đe doạ từ CR-V.
Trong năm 2017, doanh số của Mazda3 là 10.641 chiếc, gần gấp đôi so với Kia Cerato (5.651 chiếc). Khoảng cách này dần bị thu hẹp lại, mà đỉnh điểm là trong khoảng nửa năm gần đây. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10, Mazda3 bán được 10.762 chiếc, trong khi Cerato có doanh số 9.643 chiếc - một sự bám đuổi sát sao.
Điều tương tự cũng xảy ra với cặp Mazda CX-5 và Honda CR-V. Năm ngoái, doanh số CX-5 là 9.003 chiếc còn CR-V là 3.522 chiếc. Trong 10 tháng đầu năm 2018, những con số của CX-5 và CR-V lần lượt là 9.846 chiếc và 6.958 chiếc. CR-V từng có khoảng 2 tháng cạn kiệt nguồn hàng do không nhập được về. Khoảng cách doanh số giữa CX-5 và CR-V trong tháng 10 rút ngắn lại chỉ còn 2 chiếc, trong khi CR-V được báo khan hàng, vẫn còn nhiều khách ký chờ chưa nhận được xe.
Bộ tứ nhà Toyota đang giữ ngôi vua các phân khúc B, D, MPV phổ thông và SUV 7 chỗ. Vios, Camry, Innova và Fortuner là những cái tên đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, luôn lọt top bán chạy tại Việt Nam, tưởng chừng như khó có đối thủ nào lật đổ được ngôi vua.
Đối thủ cạnh tranh gắt gao nhất của Vios là Accent. Accent thể hiện sức bán tốt khi thế hệ mới vừa ra mắt đã giành vị trí thứ 2 từ Honda City nhưng vẫn để Vios bỏ xa. Phân khúc của Innova gần như không có đối thủ. Xpander của Mitsubishi đặt cạnh tranh Toyota Rush chứ không phải Innova. Fortuner ngược lại có rất nhiều đối thủ nhưng khoảng cách doanh số là rất lớn và chưa có mẫu xe nào thực sự bật lên để bám đuổi được.
Hạng xe bán tải vẫn là sân chơi của Ford Ranger. Một mình Ranger chiếm khoảng 60% thị phần dòng xe này.
Nguồn tin: Autopro
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nice